Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trường tiểu học đánh giá đúng chất lượng học tập, không để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Sở GD&ĐT TPHCM vừa ban hành hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II cấp tiểu học năm học 2024–2025, với yêu cầu đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định nhưng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.
Theo đó, việc ra đề và tổ chức kiểm tra phải khách quan, trung thực, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, đồng thời chú trọng đến sự tiến bộ của các em. Các cơ sở giáo dục cần kịp thời có biện pháp hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu, tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp”.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường xây dựng ma trận đề, ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho công tác đánh giá định kỳ ở các môn học có bài kiểm tra. Quá trình kiểm tra, đánh giá cần đảm bảo công bằng, chính xác, phản ánh trung thực kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Ngành Giáo dục thành phố khuyến khích các nhà trường mạnh dạn đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đặc biệt trong cách thức ra đề, nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh.
Nội dung đề kiểm tra phải bám sát yêu cầu cần đạt của từng môn học và khối lớp, ưu tiên thiết kế các câu hỏi, bài tập có tính vận dụng kiến thức, kỹ năng, hình thức trình bày đa dạng, tránh những câu hỏi không rõ ràng đáp án.
Đáng chú ý, đề kiểm tra không được đính kèm phần hướng dẫn chấm dành cho giáo viên. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh sẽ thực hiện ngay trên lớp, đặc biệt với lớp học 2 buổi/ngày thì không giao thêm bài tập về nhà, không soạn đề cương hay bài mẫu bắt buộc học sinh học thuộc lòng. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự ôn tập một cách hiệu quả.
Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, các trường cần xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, tổ chức phụ đạo riêng cho học sinh yếu, đồng thời thông báo lịch kiểm tra sớm, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuẩn bị điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chạy theo thành tích, không gây áp lực cho giáo viên, học sinh và gia đình, nhằm tránh tạo ra không khí học tập căng thẳng, nặng nề.
Ngoài ra, việc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm cần được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”. Công tác khen thưởng phải thực chất, đúng quy định, tránh tình trạng khen tràn lan gây phản ứng tiêu cực trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Theo Giáo Dục Và Thời Đại