Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, tài sản lớn nhất mà học sinh, sinh viên đang sở hữu chính là tuổi trẻ, sức khỏe, thời gian và trí tuệ.
Sáng 19/4, chương trình diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên “Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân” diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Phát biểu tại diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi – với tư cách là một người ở thế hệ trước, một nhà giáo và cũng là một phụ huynh đã gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc.
Theo Thứ trưởng, tài sản lớn nhất mà học sinh, sinh viên đang sở hữu chính là tuổi trẻ, sức khỏe, thời gian và trí tuệ.
“Các bạn phải ý thức được giá trị tài sản đó, không được phung phí. Hãy khẳng định và tỏa sáng với tài sản vô giá của mình. Vẻ đẹp của trí tuệ là vẻ đẹp trường tồn, đi cùng năm tháng, hãy giữ gìn và phát huy vẻ đẹp ấy”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, trong thời đại ngày nay, học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các giá trị hiện đại của thế giới: từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đến những ngành kỹ thuật tiên tiến như vi mạch, bán dẫn.
Đây là nền tảng để tạo ra những bước nhảy vọt về năng suất lao động, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng GDP, cải thiện kinh tế – xã hội không chỉ cho xã hội, đất nước.
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng điều quan trọng là phải “nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ việc nhỏ”, đồng thời xây dựng hệ giá trị đạo đức và văn hóa trong quá trình lập nghiệp.
“Nhà trường sẽ trang bị cho các bạn kiến thức về kinh doanh. Nhưng bản thân các bạn phải tạo dựng cho mình một nền tảng giá trị văn hóa, đạo đức vững chắc. Không có chuyện ‘việc nhẹ lương cao’, mọi thành công đều phải đánh đổi bằng sự nỗ lực, đổ mồ hôi và vất vả”, Thứ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh vào các yếu tố cốt lõi làm nên tinh thần khởi nghiệp bền vững, Thứ trưởng gửi gắm thông điệp về sự “tự tin – tự chủ – tự lập – tự tại”.
Theo Thứ trưởng, mỗi bạn trẻ phải biết tin vào chính mình, vào giá trị riêng của bản thân, chủ động trong học tập và rèn luyện, đứng vững trên đôi chân của mình. Và khi hội tụ đủ những điều ấy, bạn trẻ sẽ tìm thấy sự “tự tại”, vững vàng trên hành trình khởi nghiệp và cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng khẳng định: “Trong hành trình đó, các bạn không đơn độc. Các bạn sẽ có sự đồng hành của thầy cô, bạn bè, đối tác, doanh nghiệp. Chúng ta sẽ tạo được một khối vững chắc, để cùng nhau đi thật xa”.

Tại diễn đàn, PGS.TS Lê Hiếu Giang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhấn mạnh vai trò thiết yếu của khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.
Theo ông Giang, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, nơi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành những đòn bẩy then chốt. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà, như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, còn là yếu tố đột phá hàng đầu để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Trong hành trình đó, khởi nghiệp – đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của giới trẻ – được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
“Và để khởi nghiệp thành công, bên cạnh kiến thức và khát vọng, chúng ta rất cần những câu chuyện thật, trải nghiệm thật từ những người đi trước – những doanh nhân đã từng bắt đầu từ con số 0, từng thất bại, từng vượt qua thách thức để đi đến thành công”, PGS.TS Lê Hiếu Giang chia sẻ.
Ông khẳng định, chính vì lý do đó, diễn đàn lần này được tổ chức với mong muốn trở thành một không gian kết nối, nơi các doanh nhân không chỉ truyền đạt kinh nghiệm mà còn lan tỏa cảm hứng, tiếp thêm động lực để sinh viên vững tin trên con đường khởi nghiệp.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã mang đến những câu chuyện đời thực, những kinh nghiệm được đúc rút từ hành trình khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp của chính mình.
Với cách chia sẻ gần gũi, thẳng thắn, ông giúp các bạn trẻ hình dung rõ hơn con đường khởi nghiệp không phải là giấc mơ viển vông, mà là một hành trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thái độ đúng đắn.
Ông Hoàng khẳng định: “Nếu không học thì làm sao làm việc. Đừng bỏ học để theo đuổi đam mê và đừng suy nghĩ viển vông.” Với ông, học vấn là nền tảng không thể thiếu, là bước “học đi” trước khi “học chạy” – một cách nói hình ảnh nhưng sâu sắc, cảnh tỉnh những bạn trẻ đang nóng lòng khởi nghiệp mà thiếu sự chuẩn bị căn cơ.
Ông cũng nhấn mạnh nhiều bài học thực tế, như: “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, hay “thái độ quyết định thành công hơn trình độ”. Theo ông, một người trẻ có thể chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu biết xây dựng mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch cụ thể, biết lập dự toán chi phí, quản trị rủi ro và rèn luyện kỹ năng thuyết phục thì hoàn toàn có thể từng bước vững vàng trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Chương trình diễn đàn nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025.
Theo Giáo Dục Thời Đại