Chính phủ đặt mục tiêu, cứ 4 lãnh đạo có 1 người chuyên môn khoa học kỹ thuật, hướng tới tối thiểu đạt 25%.
Song bài toán đặt ra là, làm thế nào để có đủ nhân lực đạt mục tiêu trên.
Giáo dục phổ thông là “gốc rễ”
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 71/NQ-CP (Nghị quyết 71) sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).
Nghị quyết 71 đặt mục tiêu phấn đấu bố trí tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị Nhà nước, hướng tới tối thiểu đạt 25%. Tương đương, cứ 4 lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, có 1 người có chuyên môn kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật.
Nhắc lại câu chuyện về nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn theo khối Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên để dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, xu hướng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực ngành nghề. Trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động khối ngành kỹ thuật công nghệ rất lớn nhưng nhiều trường khó tuyển sinh.
Giải quyết bài toán này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần nhiều giải pháp tổng thể, thậm chí cần có chiến lược phát triển cấp quốc gia; song trước mắt cần bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Theo đó, chúng ta cần có chính sách dài hạn và “gốc rễ”. Trong đó, giáo dục khoa học cơ bản ở bậc phổ thông phải được chú trọng, không chỉ đơn thuần truyền tải kiến thức, mà cần khơi dậy niềm đam mê, yêu thích, giúp học sinh tiếp cận một cách tự nhiên và hứng thú.
“Nói cách khác, các trường phải thực sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học cũng như tổ chức các họat động giáo dục”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gợi mở, các trường phổ thông cần gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn biết cách ứng dụng vào thực tế.
Với các môn Khoa học tự nhiên, ngoài giáo viên dạy lý thuyết, cần có giáo viên thực hành hướng dẫn học sinh tiếp cận và sử dụng các thiết bị một cách hiệu quả. Qua đó, nhằm khơi dậy niềm yêu thích khoa học với học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, việc này cần thực hiện tốt ở mọi cấp học, nhất là ở tiểu học, THCS. Qua đó, để học sinh thấy được ý nghĩa, hiệu quả của giáo dục STEM; trên hết là có được kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, từ đó hình dung được khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật công nghệ.
“Làm tốt những nội dung trên, tôi tin sẽ có nhiều học sinh không ngại theo học các môn Khoa học tự nhiên khi vào học THPT. Quan trọng hơn, các em sẽ có lựa chọn theo học các ngành Khoa học cơ bản và Khoa học kỹ thuật, công nghệ ở bậc học cao hơn”, TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.
Nhận thấy, đây là thời điểm cần nhìn nhận lại toàn diện, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi, các cơ sở giáo dục đại học phải thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn tạo đột phá chỉ có cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là cơ hội lớn để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Để làm được điều đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ kiến giải, chúng ta phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển công cụ này. Các trường đại học, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ xem AI là công cụ sử dụng hằng ngày. Còn nếu các trường đại học, các nhân lực khoa học công nghệ không làm chủ được AI trong một nghĩa nào đó thì sẽ phải đi sau mãi.
“Tôi mong thời gian tới sẽ có phần mềm mở mà có công sức đóng góp của các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam”, GS.TS Chử Đức Trình bày tỏ, đồng thời tin tưởng, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 193) khi được triển khai sẽ tạo ra xung lực và cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt
Thực tế cho thấy, số lượng người học trong lĩnh vực STEM (khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) còn thấp. Từ đây, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường Đại học FPT cho rằng, cần có giải pháp để tạo sự dịch chuyển, tác động vào từng người học lựa chọn lĩnh vực này.
Nếu như có người học, chúng ta sẽ có cách triển khai, cùng sự quản lý của Nhà nước để sản phẩm cuối cùng là nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu không có người học hoặc không đủ số lượng như mong muốn sẽ rất khó.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường Đại học FPT cho rằng, đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ dừng lại ở kiến thức, mà đòi hỏi khả năng nghiên cứu, thực hành sáng tạo.
Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế, chính sách về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ then chốt. Mô hình tài chính sinh viên và rộng ra mô hình kinh tế của các tổ chức giáo dục đại học là vấn đề ít được quan tâm. Nếu không đủ chi phí cho giáo dục đại học, yêu cầu về nhân lực chất lượng cao khó đạt mong muốn.
Từ Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tin tưởng sẽ có những chuyển động mạnh mẽ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian tới.
Sự tham gia của “5 nhà”: Nhà lập pháp – nhà quản lý – nhà trường – doanh nghiệp và cả truyền thông, sẽ là hợp lực mạnh mẽ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao, hiện thực hóa các mục tiêu các nghị quyết đề ra.
Từ thực tiễn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, ngành Giáo dục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn”; trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao năng lực hệ thống và hiệu quả quản lý Nhà nước, tối ưu hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học; phát triển mạng lưới giáo dục đại học số, tạo mục tiêu nâng cao chất lượng; xây dựng khung phát triển giáo dục đại học làm căn cứ tiếp tục đổi mới phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đại học; tập trung đào tạo nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo…
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giáo dục đại học hiện có gần 90.000 giảng viên và hơn 2 triệu sinh viên. Đây là đội ngũ phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ.
Theo Giáo Dục Thời Đại