Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường ĐH thiết kế lại chương trình đào tạo với thời gian rút ngắn hơn so với trước, còn 3 hoặc 3 năm rưỡi thay vì 4 năm. Vậy chương trình có đáp ứng yêu cầu thực tế?
ÁP DỤNG CHO CÁC NGÀNH CÓ TÍNH ỨNG DỤNG
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trước đây chương trình cử nhân của trường có số lượng 140 tín chỉ dành cho cả khối ngành công nghệ, kinh doanh quản lý. Tuy nhiên, hiện nay chương trình cử nhân được đào tạo trong 3 năm rưỡi với 133 tín chỉ bao gồm cả học phần quốc phòng an ninh. Còn các ngành kỹ thuật, công nghệ là 4 năm rưỡi với 150 tín chỉ cấp bằng kỹ sư.

Tất cả các ngành cử nhân của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được đào tạo trong 3 năm rưỡi với 120 tín chỉ. Còn các ngành kỹ sư được thiết kế 150 tín chỉ đào tạo trong 4 năm; riêng các ngành đặc thù kiến trúc, dược học, thú y được thiết kế đào tạo trong 4 năm rưỡi.
Với Trường ĐH Văn Lang, chương trình cử nhân và kỹ sư lại có thời gian khác nhau tùy theo ngành học. Chẳng hạn chương trình cử nhân 120 tín chỉ chưa kể môn giáo dục thể chất và quốc phòng, kéo dài từ 3 năm rưỡi (kinh doanh thương mại, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật hàng không…) đến 4 năm (luật kinh tế, ngôn ngữ Anh, thiết kế đồ họa…). Đối với chương trình kỹ sư thời gian cũng từ 4 năm (kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô…) đến 4 năm rưỡi với 150 tín chỉ (kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hàng không…).
Trường ĐH Gia Định là một trong các trường thiết kế chương trình cử nhân 120 tín chỉ trong vòng 3 năm (8 học kỳ), áp dụng từ năm 2017. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có một số ngành đang đào tạo 3 năm 120 tín chỉ cấp bằng cử nhân như quản trị kinh doanh, marketing, tài chính – ngân hàng, kế toán, quan hệ quốc tế; các ngành còn lại 3 năm rưỡi. Đối với các ngành lấy bằng kỹ sư, thời gian học là 4 năm 150 tín chỉ.
Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung cơ cấu trình độ quốc gia VN và Nghị định 99 năm 2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, thời gian đào tạo bậc ĐH từ 3 – 5 năm, khối lượng học tập bậc cử nhân là tối thiểu 120 tín chỉ và kỹ sư là tối thiểu 150 tín chỉ.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết thời gian học cử nhân 3 năm rưỡi được áp dụng cho các ngành có chương trình học tập trung vào kiến thức ứng dụng, cho phép sinh viên (SV) hoàn thành sớm để nhanh chóng gia nhập thị trường lao động. Còn 4 năm là áp dụng cho các ngành đòi hỏi nền tảng lý thuyết sâu rộng và thời gian thực hành dài hơn. Mỗi năm SV sẽ có 3 học kỳ, thời gian nghỉ hè chỉ từ 2 – 4 tuần thay vì 2 học kỳ và nghỉ hè tới 7 – 8 tuần như trước đây.
MÔN ĐẠI CƯƠNG NHẸ HƠN, TẬP TRUNG VÀO CHUYÊN NGÀNH
Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một năm được tổ chức thành 4 học kỳ, mỗi học kỳ khoảng 10 tuần. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng khi chia nhỏ nhiều học kỳ giúp số lượng học phần trong mỗi học kỳ sẽ giảm (khoảng 9 tín chỉ/học kỳ), nhưng vẫn đảm bảo đủ số lượng tín chỉ do Bộ quy định. SV sẽ chủ động hơn trong đăng ký học phần và kiểm soát tốt quá trình học, bên cạnh đó có thêm thời gian để đăng ký học vượt, học lại khi có nhu cầu; đồng thời giúp giảm áp lực về tài chính cho SV và phụ huynh.

“Mặt khác, với 4 học kỳ/năm học, trường vẫn sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý để đảm bảo thời gian cho SV nghỉ tết, nghỉ hè, các ngày nghỉ theo quy định của nhà nước và thông báo kế hoạch học tập năm học rõ ràng từ đầu năm học nên SV rất chủ động cho kế hoạch học tập và kế hoạch cá nhân”, thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ.
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho rằng rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo quy định về số lượng tín chỉ quy định là xu hướng mà các trường ĐH trên thế giới đã làm từ lâu.
“Trường xem xét thực tế để điều chỉnh chương trình, một số môn đại cương được thiết kế nhẹ hơn để tập trung vào các môn chuyên ngành quan trọng. Một số môn thay vì thi thì cho các em làm tiểu luận, bài tập nhóm vì nếu thi sẽ rất tốn thời gian như lên lịch, sắp xếp, ôn thi, tổ chức thi… Thiết kế này giúp SV tiết kiệm được thời gian, chi phí và sớm gia nhập thị trường lao động. Có tới gần 70% SV tại trường tốt nghiệp đúng thời hạn 3 năm”, thạc sĩ Chung thông tin.
Quan trọng là đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ
Bà Trịnh Thu Thủy, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư giáo dục TP.HCM, cho biết công ty đã tuyển dụng một số SV tốt nghiệp ngành luật, truyền thông đa phương tiện chương trình 3 năm.
“Các em đáp ứng yêu cầu chuyên môn của công việc khá nhanh, thái độ làm việc rất tốt. Có vẻ như SV ở trường ĐH thời gian gần đây được trải nghiệm, tiếp cận thực tế nhiều hơn nên nhiều em dễ thích nghi với công việc và không bị bỡ ngỡ”, bà Thủy nhận định.
Theo bà Thủy, nhà tuyển dụng quan tâm tới kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc. “Vì thế, thời gian 3 hay 5 năm không quan trọng. Quan trọng là trường ĐH cần đào tạo để đáp ứng 3 yếu tố này. Nếu cử nhân trong 3 hay 3 năm rưỡi mà thời lượng chương trình vẫn đủ, cho SV kiến tập, trải nghiệm từ sớm, chú trọng lồng ghép thêm kỹ năng và thái độ, thì vẫn tốt hơn là thời gian kéo dài nhưng cách thiết kế chương trình không đáp ứng được”, bà Thủy chia sẻ.
ĐỂ HỌC HIỆU QUẢ KHI THỜI GIAN ĐÀO TẠO NGẮN
Theo thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, để áp dụng việc đào tạo 3 hay 3 năm rưỡi thay vì 4 năm đối với cử nhân, 4 hay 4 năm rưỡi đối với kỹ sư, thì các trường phải có thời gian thử nghiệm và có sự đồng thuận của người học. “Trường thiết kế một số môn đưa SV đến doanh nghiệp tiếp cận thực tế nghề nghiệp trong tương lai nhằm tạo cảm hứng và động lực học tập”, ông Chung cho hay.
Thạc sĩ Xuân Dung cho rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân và kỹ sư giúp SV tránh lãng phí thời gian trống, tốt nghiệp sớm hơn, sớm tham gia thị trường lao động… “Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu trường ĐH cần có kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý học vụ chặt chẽ, thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt và đáp ứng đầy đủ dung lượng kiến thức hàn lâm và thời lượng thực hành”, thạc sĩ Xuân Dung nhận định.
Nói về khó khăn khi rút ngắn thời gian đào tạo, tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết khối lượng học tập dồn dập hơn, áp lực học cao, đặc biệt với các ngành thiên về kỹ năng thực hành như thiết kế, kỹ thuật, khối ngành sức khỏe… Đồng thời SV cũng hạn chế thời gian trải nghiệm ngoại khóa, thực tập đa dạng, nghiên cứu khoa học, phát triển năng lực mềm.
“Vì thế, các em cần có ý thức học tập và trang bị cho mình kỹ năng tự học cao, nếu không dễ hụt hơi, bỏ cuộc hoặc học cho xong”, tiến sĩ Tuấn lưu ý.
Đầu tháng 3 vừa qua, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình đào tạo 3 năm rưỡi khóa đầu tiên (năm 2021). Tại đây, bên cạnh thuận lợi và sự đồng thuận, đại diện các khoa, đơn vị đã nêu những áp lực nhất định của giảng viên để nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao khả năng ứng dụng tiếng Anh và công nghệ trong giảng dạy, nhưng đa số đều nhất trí với chủ trương đổi mới của trường. Bên cạnh đó, các ý kiến trong hội nghị cũng cho rằng SV cần không ngừng nâng cao ý thức tự học, khả năng thuyết trình, phản biện và vượt qua áp lực thi cử, áp lực nâng cao trình độ ngoại ngữ…
Theo báo Thanh Niên