Số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tăng trong những năm gần đây đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh khu vực đô thị, đồng thời đặt ra những bài toán trong khâu quản lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em.
NHIỀU CƠ SỞ CHƯA ĐẠT TIÊU CHUẨN AN TOÀN
Báo cáo của Bộ GD-ĐT hôm 10.4 tại hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 – 2030, định hướng đến năm 2045″ cho thấy cả nước có 15.256 trường mầm non công lập, dân lập, tư thục và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập còn thiếu sân chơi, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (62%). Vẫn còn 18% cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa đạt được các tiêu chuẩn về trường học an toàn, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em.

Dù biết trường mầm non công lập sẽ là lựa chọn tốt với chi phí thấp và cung cấp môi trường giáo dục tốt, an toàn hơn cho con, nhưng theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới được công bố hôm 10.4, nhiều cha mẹ chấp nhận gửi con ở cơ sở độc lập, tư thục. Một số lý do được cung cấp là giờ trông trẻ linh hoạt, có thể trông trẻ từ sáng sớm tới chiều muộn, có thể trông cả cuối tuần, phù hợp điều kiện làm việc của công nhân…
Chính những điều này đặt ra những thách thức về việc làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non độc lập tư thục cao hơn để trẻ em được an toàn, đồng nghĩa với việc gia tăng thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ, thúc đẩy xã hội phát triển.
HAI VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Bộ GD-ĐT cho biết cả nước hiện còn 33.000 giáo viên (GV) mầm non chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của luật Giáo dục 2019 (tối thiểu là tốt nghiệp CĐ sư phạm mầm non). Đáng chú ý, cả nước còn 16.000 GV mầm non ngoài công lập có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, chưa được hỗ trợ kinh phí để đào tạo đạt chuẩn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định cần phải tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, bởi đây là loại hình các nhà đầu tư đang quan tâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý, đảm bảo các cơ sở tuân thủ hết quy định mới được cấp phép. Và làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, nhất là sau nhiều vụ bạo hành trẻ nhức nhối trong dư luận thời gian qua.
Thứ nhất, theo bà Chi, cần tham mưu chính sách, cơ chế để hỗ trợ nhà đầu tư về chính sách, pháp lý để họ có thể yên tâm, sẵn sàng đầu tư. Một mô hình ở nhiều nước đã thực hiện hiệu quả, đó là đầu tư công, vận hành tư (PPP); nhà nước giao đất, giao tài sản công. Còn chi phí chi thường xuyên như lương, tiền vận hành thì do nhà đầu tư thực hiện. Muốn được như vậy cần phải có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng, sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước, vận hành thông thoáng; vừa không gây khó khăn cho nhà đầu tư nhưng vẫn quản lý chặt chẽ, cung cấp môi trường chất lượng giáo dục cao.
Thứ hai, theo bà Chi, cần tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ GV, nhân viên nuôi dưỡng, quan tâm tới nâng chuẩn GV. Bằng cấp của đội ngũ là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tình yêu thương, trách nhiệm, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ của GV, nhân viên. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục tham mưu chính sách, làm sao để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho GV, nhân viên cơ sở mầm non độc lập, cũng như chính sách đặc thù riêng cho từng địa phương.
NÊN SỬ DỤNG 1% GDP CHO GIÁO DỤC MẦM NON
Tiến sĩ Vũ Cương, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, đưa ra một số đề xuất để nâng chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt tại địa bàn có khu công nghiệp, như cần chuyển trọng tâm trợ cấp của Chính phủ cho nhóm, lớp độc lập tư thục để có thể nâng cao chất lượng các cơ sở này và giảm học phí cho trẻ em. OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và UNICEF khuyến nghị các quốc gia sử dụng 1% GDP cho giáo dục mầm non; ở các nước Bắc Âu phân bổ 1,4 – 1,8% GDP, còn ở VN mới chỉ 0,68%.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Cục Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế) nêu ví dụ vừa qua Quảng Ninh là địa phương chi 1% GRDP cho phát triển giáo dục mầm non. Bà Hằng khẳng định 3 năm đầu đời của trẻ là quan trọng nhất cho sự phát triển của một đứa trẻ. Do đó làm sao để tạo ra môi trường giáo dục an toàn, chất lượng cho trẻ em ở các địa phương, địa bàn đô thị, khu công nghiệp phải là trách nhiệm của các bên. Bà nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Khi doanh nghiệp đến làm việc, phát triển kinh doanh trên một địa bàn, họ cũng cần có trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, xây dựng trường lớp, để phụ huynh có thể an tâm gửi con đi học và làm việc, cống hiến…
Theo Báo Thanh Niên