Thông tư số 05 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 22.4 sẽ thay đổi về chế độ làm việc với giáo viên phổ thông sau 16 năm. Theo nhiều giáo viên, thông tư mới giúp ghi nhận đầy đủ hơn công sức và thời gian mà giáo viên bỏ ra cho các hoạt động ngoài thời gian giảng dạy trên lớp.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN ĐƯỢC QUY ĐỔI RA TIẾT DẠY
Ông Hà Văn Vụ, giáo viên (GV) Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), cho biết Thông tư 05 của Bộ GD-ĐT bổ sung nhiều hoạt động chuyên môn được quy đổi ra tiết dạy mà trước đây có thể chưa được quy định rõ ràng hoặc chưa được tính. Các hoạt động như dạy trực tuyến (trong nhiều trường hợp), dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc, dạy liên trường, ôn thi, báo cáo chuyên đề, dạy minh họa, hướng dẫn hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi, và chấm thi GV cấp trường đều được quy định cụ thể về cách quy đổi. Điều này giúp ghi nhận đầy đủ hơn công sức và thời gian mà GV bỏ ra cho các hoạt động ngoài thời gian giảng dạy trên lớp.
Thông tư mới đưa ra các hệ số quy đổi cụ thể cho từng loại hoạt động, giúp cho việc tính số tiết của GV trở nên minh bạch và dễ dàng hơn. Cách quy định rõ ràng này giảm thiểu sự mơ hồ và tranh cãi trong việc xác định khối lượng công việc của GV khi thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Bên cạnh đó, ông Hà Văn Vụ còn nhận xét việc quy đổi thể hiện sự ghi nhận công sức cho các hoạt động có tính chất phức tạp hoặc tốn nhiều thời gian như bồi dưỡng HS giỏi, hướng dẫn nghiên cứu khoa học hoặc dạy môn chuyên ở trường chuyên được quy đổi với hệ số cao hơn (tối đa 2 hoặc 3). Điều này phản ánh đúng mức độ khó khăn và yêu cầu cao của công việc. Quy định khuyến khích và ghi nhận xứng đáng những đóng góp của GV trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
TĂNG TÍNH DÂN CHỦ, MINH BẠCH VÀ CÔNG BẰNG
Ông Hà Văn Vụ cho rằng quy định mới về chế độ làm việc có tính đến quy mô và đặc thù của hoạt động. Việc quy đổi tiết dạy cho dạy trực tuyến có sự phân biệt dựa trên số lượng HS tham gia, thể hiện sự linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đối với dạy phụ đạo, hệ số quy đổi được điều chỉnh dựa trên quy mô lớp và năng lực HS, cho phép đánh giá công bằng hơn.
Và hơn hết, theo ông Vụ, so với quy định từ 16 năm trước (Thông tư 28 năm 2009), thông tư mới tăng tính dân chủ và minh bạch. Việc quy định cụ thể các hoạt động được quy đổi và hệ số quy đổi giúp đảm bảo tính công bằng giữa các GV, tránh tình trạng người làm nhiều việc ngoài giờ lại không được ghi nhận đầy đủ. Việc hiệu trưởng cần tham khảo ý kiến hội đồng trường trong một số trường hợp quy đổi tiết dạy (dạy phụ đạo, bồi dưỡng HS giỏi) cũng giúp tăng tính minh bạch và dân chủ trong nhà trường.

Ông Hà Văn Vụ nhận định từ ngày 22.4 trở đi, GV được ghi nhận đầy đủ hơn khối lượng các công việc mình làm. Các hoạt động chuyên môn khác ngoài giờ lên lớp được tính vào tổng số tiết dạy, giúp phản ánh chính xác hơn cường độ làm việc của GV.
Theo ông Vụ, khi công sức bỏ ra được ghi nhận một cách công bằng, GV sẽ có thêm động lực để tham gia tích cực vào các hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đây việc xét thi đua đôi khi mang tính chủ quan hoặc dựa trên những tiêu chí không hoàn toàn phản ánh đúng khối lượng công việc, còn theo thông tư mới, tổng số tiết dạy sau khi quy đổi có thể trở thành một trong những căn cứ khách quan và định lượng để xét thi đua. GV nào có tổng số tiết dạy cao hơn (do vừa đảm bảo định mức giảng dạy vừa tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn) có thể được xem xét đánh giá cao hơn.
Ngoài ra, tổng số tiết dạy sau khi quy đổi sẽ là căn cứ để tính số giờ dạy thêm (nếu có), giúp GV có thêm thu nhập chính đáng.
QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CÓ SỰ ĐỒNG BỘ
Ông Phan Thế Hoài, GV Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cũng chỉ ra Thông tư 05 bổ sung một số trường hợp được quy đổi định mức tiết dạy đã đồng bộ với việc thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, trong đó quy định không được thu tiền trong các hoạt động ôn tập, bồi dưỡng, phụ đạo cho HS.
Theo đó, với GV dạy HS ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, 1 tiết dạy được tính bằng 1 tiết định mức. GV dạy phụ đạo cho HS có học lực yếu, kém hoặc dạy thêm cho HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt thì 1 tiết dạy được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết định mức.
GV tham gia bồi dưỡng HS giỏi, HS tham gia hội khỏe Phù Đổng, hướng dẫn thi khoa học kỹ thuật, hướng dẫn HS tham gia cuộc thi HS, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp thì 1 tiết dạy được quy đổi tối đa không quá 2 tiết định mức thay vì 1,5 tiết như quy định cũ. Điều này cho thấy sự ghi nhận đối với GV giỏi chuyên môn.

GV làm giám khảo cũng được quy đổi thành tiết dạy, nghĩa là thầy cô sẽ được trả thù lao. Từ trước đến nay, GV làm giám khảo được xem là nhiệm vụ, sự cống hiến… nhưng nay thì được tính công sòng phẳng. Đáng nói, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vừa được quy đổi tiết dạy vừa được hưởng phụ cấp khiến GV phấn khởi, có động lực làm việc.
Với Thông tư 05, ông Phan Thế Hoài cho rằng GV có làm thì có hưởng, tạo sự công bằng. Hiệu trưởng cũng thuận lợi trong việc phân công nhiệm vụ cho người lao động.
Nhìn chung, theo đánh giá của hầu hết GV, Thông tư 05 mang lại nhiều lợi ích cho người dạy so với các quy định cũ bằng cách mở rộng phạm vi các hoạt động được quy đổi, quy định rõ ràng hơn về hệ số, ghi nhận công sức cho các hoạt động phức tạp và tăng tính công bằng, minh bạch trong việc đánh giá khối lượng công việc của GV.
Cần có hướng dẫn về nguồn chi trả
Ở góc độ quản lý trường học, hiệu trưởng một trường THPT băn khoăn: Thông tư quy định rõ về việc quy đổi tiết dạy cho các hoạt động chuyên môn khác nhưng lại chưa làm rõ nguồn chi trả cho những tiết dạy này, đặc biệt là khi nó vượt định mức và có thể phát sinh thêm giờ dạy. Điều này có thể sẽ gây ra một số tác động tiêu cực như gây khó khăn cho việc thanh toán tiền dạy thêm giờ. Nếu không có quy định rõ ràng về nguồn chi trả, các trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định quỹ để trả tiền cho những tiết dạy vượt định mức do các hoạt động quy đổi mang lại. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ hoặc không thanh toán được cho GV, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Mặc dù thông tư đã ghi nhận công sức của GV bằng cách quy đổi tiết dạy, nhưng nếu không có cơ chế tài chính rõ ràng để bù đắp cho thời gian và công sức đó (đặc biệt khi vượt quá định mức), động lực của GV trong việc tham gia các hoạt động chuyên môn có thể bị giảm sút.
Từ đó, vị hiệu trưởng này nêu ý kiến Bộ GD-ĐT nên có văn bản hướng dẫn chi tiết về nguồn kinh phí để chi trả cho các tiết dạy quy đổi, đặc biệt là các tiết vượt định mức. Vì nếu không, các trường có thể tự diễn giải và áp dụng các cách khác nhau, dẫn đến sự không thống nhất và công bằng trong việc chi trả cho GV. Chưa kể điều này sẽ tăng gánh nặng hành chính cho nhà trường khi hiệu trưởng và bộ phận tài chính có thể phải tốn nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm nguồn kinh phí hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chi trả cho các tiết dạy quy đổi này. Từ đó có nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa GV và nhà trường về quyền lợi khi không rõ ràng về nguồn chi trả.
Theo Báo Thanh Niên